Rõ ràng, chúng ta không  thiếu phim truyền hình. Cái lớn nhất chúng ta thiếu là một tư duy mới  trong cách làm phim và tiếp cận khán giả.  

   

   
Khuấy động lại không khí ảm đạm

Khoảng  chục năm trước, khi Internet còn là một khái niệm xa vời, giải trí bằng  truyền hình giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của đại đa số  người Việt. Khi số lượng phim Việt Nam còn quá ít ỏi, không thể đáp ứng  hết nhu cầu của khán giả, các phim nước ngoài nhanh chóng chiếm được cảm  tình của đông đảo người xem. Những cái tên như “Osin”, “Người giàu cũng khóc”, “Trở về Eden”, “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”…  trở thành cơn sốt thực sự tại Việt Nam. Không lâu sau, làn sóng phim  Hàn Quốc mà điển hình là dòng phim tâm lý xã hội với cốt truyện gần gũi,  dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tốt đã đẩy phim Hàn lên vị trí độc tôn  trên các kênh sóng của các đài truyền hình.


Tuy  nhiên sự phát triển mạnh mẽ của kênh giải trí trực tuyến trong vài năm  trở lại đây đây đã thay đổi thói quen giải trí thuần túy qua vô tuyến  của một bộ phận người Việt Nam. Mọi lúc, mọi nơi, chỉ bằng vài thao tác  đơn giản là có thể nhanh chóng tiếp cận với kho phim trực tuyến đồ sộ.  Nhưng sự tiện lợi này đã vô tình “giết chết” phim truyền hình. Ai cũng  biết, nguồn thu chính bù đắp lại chi phí mua phim từ nước ngoài chính là  quảng cáo – sản phẩm duy nhất có thể “tặng kèm” trong mỗi tập phim.

Nhưng  các công cụ trực tuyến đã nhanh tay tước mất thế độc quyền của các nhà  đài. Và như vậy, một lượng lớn khán giả trung thành của phim truyền hình  đã không được tiếp cận những bộ phim hấp dẫn của nước ngoài. Chưa kể,  nước bạn cũng chịu thiệt hại không nhỏ khi phim do chính mình sản xuất,  chưa kịp tính chuyện thương mại ở nước ngoài thì đã tràn lan trên mạng  Internet sau mỗi tập phát sóng.

Người hâm mộ phim truyền hình thì  vẫn có nhu cầu lớn được theo dõi qua tivi hằng ngày. Tuy vậy, phải  thẳng thắn thừa nhận rằng, số lượng và chất lượng phim truyền hình trên  nhiều kênh sóng hiện nay đã sa sút đáng kể so với thời hoàng kim trước  đây. Họa hoằn lắm người xem mới được dịp thưởng thức những bộ phim thực  sự hay theo đúng nghĩa, và giữa cái không khí ảm đạm ấy, “Sự quyến rũ  của người vợ” lên sóng.

Tác phẩm điển hình



Vừa may, “Sự quyến rũ của người vợ”  không phải là một bộ phim thần tượng với hàng tá ca sĩ, người mẫu, diễn  viên xinh đẹp nên dù đã lên sóng và thành công vang dội tại xứ sở Kim  Chi gần 2 năm trước nhưng đến trước khi lên sóng tại Việt Nam, đây vẫn  là một bộ phim còn khá mới mẻ. Không xuất hiện bản phụ đề trên các diễn  đàn phim như nhiều bộ phim khác, chỉ có một bản đã được lồng tiếng  không gây được chú ý, Eun Jea, Gyo Bin và Ae Ri không khó khăn để đánh  bại tất cả các phim buổi tối trên các kênh sóng Việt Nam.

Rõ ràng dòng phim gia đình của Hàn Quốc chưa bao giờ giảm nhiệt ở Việt Nam. “Sự quyến rũ của người vợ”  với vô vàn những tình tiết dẫu vô lý nhưng lại thu hút số lượng người  xem kỷ lục mỗi tối, dù trước đó ít phút vẫn là sự nhàm chán quen thuộc  của phim “giờ vàng”.

Đánh trúng vào gu phim tâm lý xã hội của  người Á Đông, bộ phim chỉ xoay quay cuộc sống hằng ngày của 3 gia đình  hiện đại ở Hàn Quốc với những xung đột từ bé đến lớn. Những rắc rối  trong hôn nhân là phát súng châm ngòi cho mọi biến cố của các gia đình.  Cũng chính những rắc rối ấy đã bó buộc các thành viên của 3 nhà lại với  nhau thông qua những hàng loạt các mâu thuẫn không thể giải thích nổi.

Một  ông chồng sau cuộc hôn nhân tan vỡ với những bí mật khủng khiếp về tài  sản và đứa con gái đầu lòng. Một bà mẹ mất con, mất của, mang mối hận  của người bị phản bội. Một cặp vợ chồng với bi kịch của đứa con nuôi bất  hiếu. Một cô gái trẻ với cuộc hôn nhân bất hạnh. Một người phụ nữ ích  kỷ, xảo trá tột cùng. Một gã chồng đê hèn, thủ đoạn. Một phụ nữ 40 tuổi  sống cuộc sống của đứa trẻ 7 tuổi. Trong “Sự quyến rũ của người vợ” là cuộc chiến dai dẳng của cái tốt đến nhu nhược với cái xấu đến tận cùng.

Nhà  biên kịch không cố tạo ra một người lập lờ giữa giữa tốt và xấu. Người  xem bắt gặp những tính cách ở hai thái cực đối lập nhau hoàn toàn. Những  xung đột diễn ra liên tục với cường độ cao, tính chất ngày càng căng  thẳng cộng với độ dài liên miên của một bộ phim chiếu liên tục trên kênh  SBS khiến “Sự quyến rũ của người vợ”  tạo ra cảm giác mệt mỏi, áp lực, thậm chí là ức chế cho những ai đã  kiên trì theo dõi hàng chục tập phim nhưng vẫn không thể đoán trước được  tình tiết.


Vẫn là mâu thuẫn hôn nhân, gia đình, nhưng trong “Sự quyến rũ của người vợ”,  nỗi đau, sự thù hận vượt lên trên tất cả để trở thành động lực sống cho  những nhân vật chủ chốt của câu chuyện. Không ru ngủ người xem bằng mẫu  phụ nữ cam chịu đã thành truyền thống của phim Hàn, bộ phim thức tỉnh  tất cả những hoài nghi về người phụ nữ, về vai trò của họ trong gia đình  Á Đông, đặc biệt là một quốc gia có tư tưởng nặng về truyền thống như  Hàn Quốc.

Đâu đó trong phim là những tình tiết phi lý đến mức khó  tin, cách nhân vật đối mặt với thực tế, cam chịu nhẫn nhịn để vai phản  diện chà đạp, hành hạ, hãm hại hết lần này đến lần khác đôi khi khiến  người xem khó chịu. Tuy nhiên, sự hóa thân tuyệt vời của một dàn diễn  viên tài năng đã khiến câu chuyện không tưởng trở nên dễ chấp nhận hơn.  Và vì thế, lại càng thu hút sự chú ý của dư luận.

Dù có nhiều ý  kiến khen chê khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, “Sự quyến rũ của  người vợ” tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ trong khán giả. Đã khá lâu rồi mới  lại có một bộ phim thu hút đông đảo người xem ở nhiều lứa tuổi cùng  quan tâm theo dõi đến vậy kể từ những “Ông trùm”, “Mối tình đầu”, “Nàng  Dae Jang Geum” hay gần đây hơn là “Những nàng công chúa nổi tiếng”.  Không giáo điều, cứng nhắc và theo mô tuýp quen thuộc của phim Hàn, với  tiết tấu nhanh, không dàn trải, mỗi tập phim đều có một mâu thẫn và đẩy  lên mức cao trào ở tập cuối là lý do bộ phim được đông đảo người hâm mộ  chờ đón vào mỗi tối thứ 2 đến thứ 6.

Xem người, ngẫm mình

Được  chiếu gần nhau trong chương trình phim buổi tối trên sóng VTV, có thể  thấy rõ sự chênh lệch về số lượng khán giả của "Sự quyến rũ của người  vợ" so vói các phim Việt chiếu lúc 20h và 21h. Dù còn nhiều luồng dư  luận trái chiều, nhưng thành công đầu tiên của phim chính là tạo ra một  hiệu ứng mạnh mẽ từ người xem. Khi VTV chưa khai phát "súng giờ vàng",  khung giờ buổi tối vẫn dành phần lớn cho những phim đặc sắc nước ngoài.  Nhưng két quả thu về từ phim "giờ vàng" trong 4 năm qua không được như  mong đợi


Khi  khán giả lẫn giới phê bình ngán ngẩm về chất lượng ngày một sa sút của  phim truyền hình Vịêt Nam, việc một phim có chất lượng cao của Hàn Quốc  hay bất kì quốc gia nào khác được ủng hộ nhiệt tình chứng minh rằng nhu  cầu giải trí qua màn ảnh nhỏ tại Việt Nam vẫn rất lớn. Công chúng sẽ  không bao giờ quay lưng lại với một bộ phim được đầu tư nghiêm túc, có  chất lượng nghệ thụât tốt, thoả mãn được lòng mong mỏi của họ.

Rõ  ràng, chúng ta không thiếu phim truyền hình. Cái lớn nhất chúng ta là  thiếu một tư duy mới trong cách làm phim và tiếp cận khán giả. Người xem  ngày càng khó tính, và cái họ cần, không chỉ là xem phim, mà phải được  sống cùng nhân vật. Trong khi nhân vật và câu chuyện do NSX Việt Nam  nhào nặn ra vẫn còn quá xa vời với khán giả.

Theo : 2sao

Bạn có thích bài viết này không?