Nhiều người tin biện pháp này không hiệu quả nhưng một số lại ủng hộ.

Mới đây, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM có công văn yêu cầu các ISP và đại lý Internet có biện pháp để chấm dứt việc tiếp cận trò chơi này trên địa bàn thành phố. Sự việc này ngay lập tức dấy lên làn sóng tranh cãi trên Game Thủ.net.

Người chơi Ponny cho rằng, việc ngăn chặn Đột kích sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến các game thủ yêu thích thể loại FPS. “Hiện thị trường game trong nước và thế giới còn vô số game bắn súng hấp dẫn khác ngoài Đột kích như Call of Duty, Left 4 Dead, Crysis, Counter Strike, A.V.A…Nếu họ cấm game online Đột kích thì chúng tôi chuyển về chơi offline hết. Như vậy, thời hoàng kim của Counter Strike 1.6Source sẽ quay trở lại”, Ponny nói.

Nhiều game thủ bày tỏ, việc cấm Đột kích là không hợp lý…

Cũng mang quan điểm không đồng tình với yêu cầu của Sở, game thủ Chu Hoang Minh phân trần: “Cơ quan quản lý cấm game FPS với lý do là không quản lý được nội dung bạo lực. Vậy xin hỏi là cấm rồi liệu có quản lý được không khi mà Đột kích vẫn nhan nhản ở các server nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc…”.

“Hơn thế nữa, so với nhiều trò chơi bắn súng ‘khủng’ khác trên thị trường, Đột kích còn quá non trẻ. Vậy thì cấm một game bắn súng nhỏ bé đó để giới trẻ tìm đến các trò chơi còn kinh khủng hơn nữa thì cấm có tác dụng gì không”, Chu Hoang Minh nói tiếp.

Game thủ Nguyen Hoang An lại cho rằng, việc ngăn chặn truy cập Đột kích sẽ làm mất đi quyền lợi của những người trên 16 tuổi. “Một bộ phận không nhỏ thanh niên 16+ chơi game nhưng vẫn làm việc đóng thuế cho Nhà nước. Hơn thế nữa, ở nhiều nước, FPS từ lâu đã được xem là một môn thể thao điện tử. Chúng ta cần tăng cường quản lí độ tuổi game thủ chơi game online chứ không nên cấm”.

…một số người lại ủng hộ nhiệt tình.

Trước làn sóng phản đối việc cấm Đột kích, vẫn có nhiều game thủ bày tỏ quan điểm ủng hộ với yêu cầu này. Người chơi Wing Wong phát biểu: “Đề nghị cấm càng sớm càng tốt. Ra tiệm net toàn thấy học sinh nhỏ tuổi chơi game, lại hay chửi thề, khi nhân vật chết thì đập máy la hét, nạp cả trăm nghìn đồng chỉ để mua cái nhân vật nữ với vài cây súng”.

Một số người khác lại ủng hộ quyết định cấm để nhà phát hành không có cơ hội bóc lột người chơi. “Phải mạnh tay như vậy thì các nhà phát hành game tại VN mới chừa được thói kinh doanh bất cần hậu quả. Game online hoàn toàn không xấu. Việc game online bị lên án mạnh mẽ trong thời gian qua tại VN là hoàn toàn do nhà phát hành. Họ dùng nhiều thủ đoạn để ‘ăn’ tiền của người chơi, dẫn đến việc game online không còn tính giải trí lành mạnh. Từ người chơi ít tiền đến nhiều tiền đều lao đầu vào chuyện hư vô, tự biến bản thân mình thành kẻ nô lệ rẻ mạt”, game thủ Dannguyen cho hay.

Theo gamethu

Bạn có thích bài viết này không?